Tiểu không hết ở nam giới: Cách nhận biết, nguyên nhân và điều trị

Ai cũng có thể gặp tình trạng tiểu không hết, tuy nhiên nam giới có nguy cơ mắc hiện tượng này cao hơn nhiều so với nữ giới. Vì sao lại như vậy, bệnh có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?

Tiểu không hết ở nam giới – Một vấn đề thường gặp

Tiểu không hết là khi một người không thể làm rỗng hoàn toàn bàng quang của mình khi đi tiểu. Tức là sau khi đi tiểu, trong bàng quang vẫn tồn dư một lượng nước tiểu, số lượng có thể ít hoặc nhiều.

Tiểu không hết có thể xảy ra ở nam nữ mọi độ tuổi nhưng nó xảy ra thường xuyên nhất ở nam giới lớn tuổi. Theo một vài thống kê, cứ 3 nam giới trên 50 tuổi thì có 1 người bị tiểu không hết và gần như tất cả đàn ông trên 85 tuổi đều gặp khó khăn khi đi tiểu.

Vì sao nam giới lại dễ bị tiểu không hết?

Phụ nữ và nam giới khác nhau đáng kể về giải phẫu tổng thể và sinh lý của đường tiết niệu dưới. Sự khác biệt về giải phẫu này là nguyên nhân giải thích vì sao nam giới lại dễ bị tiểu không hết hơn nữ giới.

Hệ thống tiết niệu ở nam giới và nữ giới

Như ta thấy ở hình trên, hệ thống tiết niệu của nam và nữ đều gồm: thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Tuy nhiên ở nam giới, niệu đạo lại được bao quanh bởi tuyến tiền liệt (một tuyến nhỏ thuộc hệ thống sinh sản). Khi nam giới già đi, tuyến tiền liệt của họ thường có sự phát triển về kích thước, gây ra một tình trạng gọi là phì đại tuyến tiền liệt. Tuyến tiền liệt phì đại có thể chèn ép vào niệu đạo, cản trở dòng chảy bình thường của nước tiểu, dẫn đến một loạt các triệu chứng như tiểu không hết, tiểu khó, tiểu ngập ngừng, tiểu són,…

Tỷ lệ mắc phì đại tuyến tiền liệt là ở nam giới lần lượt là 8%, 50% và 80% trong những năm tuổi 40 tuổi, 60 và 90 của cuộc đời.

Ngoài ra, niệu đạo của nữ giới cũng ngắn hơn nam giới. Ở nữ giới, niệu đạo chỉ dài khoảng 4cm, kéo dài từ cổ bàng quang đến lỗ niệu đạo. Ở nam giới, niệu đạo dài khoảng 17,5 – 20 cm, dài gấp 4 – 5 lần nữ giới và được chia thành 3 đoạn. Nó kéo dài từ cổ bàng quang qua tuyến tiền liệt và dương vật đến lỗ niệu đạo bên ngoài. Sự dài hơn đáng kể về kích thước này cũng nguyên nhân khiến nước tiểu dễ bị đọng lại sau khi đi tiểu.

Niệu đạo của nữ giới ngắn hơn đáng kể so với nam giới (Ảnh minh họa)

Có nguy hiểm không?

Tiểu không hết tuy không phải là một tình trạng y tế khẩn cấp và đe dọa tới tính mạng. Nhưng nếu không điều trị, chúng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, như:

  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Tổn thương bàng quang
  • Hư thận
  • Tiểu không tự chủ
  • Bí tiểu cấp tính (Bí tiểu cấp tính là một biến chứng nguy hiểm, có thể đe dọa tới tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời. Nó khiến người bệnh không thể đi tiểu được dù bàng quang đã đầy).

Chính vì thế, nếu nhận thấy mình có các dấu hiệu của tiểu không hết, bạn cần đi khám và kịp thời điều trị. Để có thể nhận biết bệnh, bạn theo dõi phần tiếp theo của bài viết.

Nhận biết dấu hiệu của bệnh

Một số nam giới không biết rằng họ đang bị tiểu không hết, bởi họ hoàn toàn không có triệu chứng hay dấu hiệu khó chịu nào. Tình trạng này chỉ được tình cờ chẩn đoán khi họ đi khám về một vấn đề khác.

Một số nam giới thì có thể gặp các triệu chứng của tiểu không hết, mức độ và biểu hiện khác nhau ở mỗi người. Dưới đây là một số dấu hiệu thường gặp của tình trạng này:

  • Đi tiểu nhiều lần trong ngày, cả ngày lẫn đêm (thường trên 8 lần/ngày)
  • Sau khi đi tiểu cảm thấy như vẫn cần đi tiểu tiếp
  • Cảm thấy phải đi tiểu gấp nhưng không thể đi được hoặc đi với lượng nước tiểu rất ít
  • Khó chịu hoặc đau nhẹ ở vùng bụng dưới, đường tiết niệu
  • Đi tiểu khó khăn
  • Tia nước tiểu yếu hoặc ngắt quãng
  • .v.v.

Đôi khi, các triệu chứng này rất nhẹ và không đủ để người bệnh cảm thấy đáng bận tâm, cần đi khám. Tuy nhiên như đã nói ở trên, rủi ro của tiểu không hết nếu không điều trị là những biến chứng làm ảnh hưởng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Thậm chí, có những biến chứng đe dọa cả tới tính mạng.

Trong một số trường hợp khẩn cấp, bạn cần lập tức tìm kiếm chăm sóc y tế nếu có các triệu chứng sau:

  • Không thể đi tiểu được
  • Đau bụng dữ dội
  • Đau lưng dưới
  • Có các dấu hiệu nhiễm trùng: nôn mửa, sốt, ớn lạnh
Một số nam giới thì có thể gặp các triệu chứng của tiểu không hết, mức độ và biểu hiện khác nhau ở mỗi người (Ảnh minh họa)

Nguyên nhân

Phì đại tuyến tiền liệt

Như đã nói ở phần trên, phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng tiểu không hết ở nam giới.

Tuyến tiền liệt là một tuyến nhỏ thuộc hệ thống sinh sản, nó nằm ở trên dương vật, dưới bàng quang, ngay trước trực tràng và bao quanh niệu đạo. Khi nam giới già đi, do sự thay đổi hormone cùng nhiều yếu tố khác (như di truyền, các yếu tố tăng trưởng, viêm, lối sống,…) mà tuyến tiền liệt của họ bắt đầu lớn dần lên. Tình trạng này là được gọi là phì đại tuyến tiền liệt, tăng sản tuyến tiền liệt hay u xơ tuyến tiền liệt.

Tăng sản tuyến tiền liệt là một tình trạng lành tính và không dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, khi tuyến tiền liệt có sự phát triển về kích thước, nó có thể chèn ép vào niệu đạo gây ra hiện tượng tiểu không hết ở nam giới cùng nhiều triệu chứng rối loạn tiết niệu khác.

Tìm hiểu thêm: Bệnh phì đại tuyến tiền liệt là gì?

Ngoài khối u xơ tuyến tiền liệt làm tắc nghẽn niệu đạo, một vài nguyên nhân khác cũng có thể khiến niệu đạo ở nam giới bị chèn ép, dẫn tới tiểu không hết là: khối phân táo bón, sỏi niệu, hẹp bao quy đầu, hẹp niệu đạo, ung thư tuyến tiền liệt hoặc bàng quang,…

Phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng tiểu không hết ở nam giới (Ảnh minh họa)

Tổn thương thần kinh

Suy giảm chức năng thần kinh là một nguyên nhân khác gây tiểu không hết ở nam giới. Các dây thần kinh có thể bị tổn thương do tai nạn hoặc bệnh tật (đột quỵ, bệnh tiểu đường, nhiễm trùng não hoặc tủy sống, bệnh đa xơ cứng và các rối loạn hệ thần kinh khác).

Quá trình đi tiểu của chúng ta có liên quan đến sự phối hợp chức năng giữa thần kinh võ não cùng các dây thần kinh giao cảm, phó giao cảm, dây thần kinh soma và các cơ trơn, cơ vòng. Khi bàng quang đã đầy, các dây thần kinh sẽ truyền tín hiệu lên não thông qua các thụ thể dẫn truyền tín hiệu, lúc này não sẽ chỉ đạo các cơ ở bàng quang giãn ra và bàng quang co bóp để tống nước tiểu ra ngoài.

Khi dây thần kinh bị tổn thương, nó sẽ không thể truyền tín hiệu một cách chính xác hoặc làm gián đoạn các con đường dẫn truyền thần kinh, điều này khiến bàng quang hoạt động kém hiệu quả đi và không thể tống hết nước tiểu ra ngoài, dẫn tới tiểu không hết.

Phẫu thuật

Gây mê trong quá trình phẫu thuật cũng có thể làm suy yếu một số dây thần kinh của bạn, dẫn đến tiểu không hết sau đó. Ngoài ra, nếu bạn phải phẫu thuật bàng quang, thận hoặc niệu đạo, các mô sẹo hình thành sau phẫu thuật cũng có thể làm co thắt niệu đạo, gây ra trình trạng tiểu không hết ở nam giới.

Viêm, nhiễm trùng

Nhiễm trùng cũng là một nguyên nhân phổ biến gây tiểu không hết ở nam giới. Nó có thể gây bệnh theo nhiều cách khác nhau. Cụ thể:

  • Nhiễm trùng ở bất kì bộ phận nào của đường tiết niệu dưới (như niệu đạo, bàng quang) có thể khiến phù nề niệu đạo, sưng bàng quang, gây khó khăn khi nước tiểu chảy ra ngoài.
  • Viêm tuyến tiền liệt hoặc nhiễm trùng tuyến tiền liệt có thể khiến niệu đạo sưng lên, chèn ép vào niệu đạo, cản trở dòng chảy của nước tiểu.
  • Viêm hoặc sưng bao quy đầu cũng có thể gây tắc nghẽn lỗ niệu đạo, cản trở đường ra của nước tiểu.
  • Nhiễm herpes có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh xương cùng.

Thuốc men

Một số loại thuốc cũng có thể gây tiểu không hết ở nam giới, bởi chúng có thể tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh hoặc tác dụng lên trương lực cơ trơn của niệu đạo hoặc cổ bàng quang. Một số loại thuốc có thể kể tới là:

  • Thuốc trị cảm lạnh, thuốc thông mũi và thuốc chống dị ứng
  • Thuốc kháng cholinergic
  • Thuốc chống trầm cảm
  • .v.v.
Một số loại thuốc có thể gây tiểu không hết ở nam giới, bởi chúng tác động lên các chất dẫn truyền thần kinh (Ảnh minh họa)

Điều trị tiểu không hết ở nam giới

Tự chăm sóc

Để cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nam giới có thể thực hiện một số biện pháp đơn giản tại nhà như:

  • Giảm uống cà phê, trà, rượu và các chất khác gây kích thích bàng quang như đồ uống có ga, chất làm ngọt nhân tạo.
  • Không nhịn tiểu
  • Tập các bài tập cơ sàn chậu (hay còn gọi là tập kegel) (để tập các bài tập này, bạn có thể đọc các bài hướng dẫn trên những website uy tín).
  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng dinh dưỡng để ngăn ngừa tiểu không hết do táo báo

Thuốc

Thuốc cũng là một lựa chọn hiệu quả để điều trị tiểu không hết ở nam giới. Tuy thuộc vào nguyên nhân, bác sĩ sẽ kê cho bạn các loại thuốc phù hợp.

Một số loại thường được kê đơn đơn là:

  • Thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt: thuốc chẹn alpha, thuốc ức chế men khử 5-alpha (5-ARI), thuốc ức chế phosphodiesterase-5 (PDE-5) và một số loại thuốc khác (Chi tiết: Phì đại tiền liệt tuyến uống thuốc gì?)
  • Thuốc điều trị viêm, nhiễm trùng: các loại thuốc kháng sinh như amoxicillin, erythromycin, ciprofloxacin,…
  • .v.v.

Ở một số nam giới, tiểu không hết có nguyên nhân là do sử dụng thuốc, bác sĩ có thể yêu cầu họ giảm liều hoặc ngừng sử dụng thuốc.

Tất cả các loại thuốc, ngay cả thuốc không kê đơn cũng đều có tác dụng phụ. Vì thế hãy luôn luôn hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.

Một loại thuốc điều trị phì đại tuyến tiền liệt, có thể được chỉ định cho nam giới bị tiểu không hết do căn bệnh này

Thủ thuật ít xâm lấn

Một số thủ thuật ít xâm lấn hoặc thiết bị y tế hỗ trợ có thể được bác sĩ chỉ định tùy vào nguyên nhân, gồm:

  • Nội soi bàng quang để tìm và loại bỏ các tắc nghẽn như sỏi đường tiết niệu
  • Liệu pháp laser để loại bỏ một vùng mô tuyến tiền liệt phì đại
  • Nút mạch phì đại tuyến tiền liệt (PAE)
  • Nong giãn niệu đạo để tăng dần kích thước của lỗ mở niệu đạo
  • Liệu pháp vi sóng Transurethral (TUMT) để điều trị phì đại tuyến tiền liệt
  • .v.v.

Tìm hiểu thêm: Các kỹ thuật mổ u phì đại tuyến tiền liệt hiện nay

Vật lý trị liệu

Bạn có thể tới gặp chuyên gia vật lý trị liệu tại các trung tâm trị liệu như bước điều trị ban đầu hoặc được bác sĩ giới thiệu.

Chuyên gia vật lý trị liệu có thể hướng dẫn bạn các bài tập tăng cường cơ sàn chậu và cách đào tạo bàng quang. Ngoài ra, họ cũng có thể hướng dẫn bạn thay đổi một số thói quen trong việc đi tiểu để hạn chế các triệu chứng.

Vật lý trị liệu cũng là một phương pháp chữa tiểu không hết ở nam giới (Ảnh minh họa)

Phẫu thuật

Nếu các phương pháp điều trị khác không mang lại hiệu quả, bác sĩ có thể xem xét chỉ định phẫu thuật. Một số thủ tục phẫu thuật thường được áp dụng là:

  • Phẫu thuật loại bỏ một phần của tuyến tiền liệt
  • Phẫu thuật sửa chữa các vết thắt niệu đạo hoặc mô sẹo cổ bàng quang
  • Phẫu thuật loại bỏ khối u bất thường hoặc phần bị hư hỏng của đĩa đệm thoát vị
  • Phẫu thuật chuyển hướng nước tiểu để định tuyến lại dòng chảy bình thường của nước tiểu ra khỏi cơ thể (phẫu thuật cắt bàng quang)
  • .v.v.

Tiên lượng

Tiên lượng là một thuật ngữ y tế được dùng để dự đoán khả năng hồi phục hoặc sống sót sau một căn bệnh. Với tiểu không hết ở nam giới, điều này thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân cơ bản.

Với nam giới lớn tuổi bị tiểu không hết do phì đại tuyến tiền liệt thường có nhiều bệnh đi kèm và có nguy cơ biến chứng cao hơn. Các bệnh đi kèm này bao gồm nhiễm trùng, rối loạn chức năng thận,…

Với nam giới bị tiểu không hết do các nguyên nhân tạm thời (chẳng hạn táo bón) có tiên lượng tốt hơn so với các trường hợp do bệnh lâu ngày hoặc mãn tính.

Bệnh nhân càng lớn tuổi thì nguy cơ biến chứng càng cao.

Kết luận

Tiểu không hết thường gặp ở nam giới hơn nữ giới do sự khác nhau về mặt giải phẫu sinh lý đường tiết niệu. Bệnh có thể gây ra những khó chịu và bất tiện, làm ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất và tinh thần của người mắc. Việc trì hoãn điều trị chỉ khiến bệnh tình trở nên tồi tệ hơn, vì thế bạn không nên cảm thấy xấu hổ mà ngại đi khám. Bác sĩ có thể chẩn đoán vấn đề và khắc phục tình trạng của bạn bằng nhiều phương pháp điều trị khác nhau.

 
Cập nhật lúc: 28/11/2024

***Quan trọng: Bác vui lòng mang đúng hình ảnh sản phẩm và đọc đúng tên Vương Bảo khi đi mua tại nhà thuốc. Lưu ý KHÔNG MUA SẢN PHẨM THAY THẾ để đảm bảo hiệu quả tốt nhất!

vuong-bao.jpg

03-hotline-svg.png
Loading...